SEO Audit website

Nối tiếp phần 1, tôi đã hướng dẫn các bạn kiểm tra Onpage toàn bộ website. Ở phần 2 này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn kiểm tra 1 số chỉ số quan trọng để biết website hiện đang “mạnh” như thế nào, cũng như lịch sử SEO ra sao, để có chiến lược SEO phù hợp.

1. Google Index

Công việc này giúp chúng ta biết được Google đã index (đọc và lưu) được bao nhiêu trang trong website của ta. Số lượng trang được index bằng với số lượng link trong sitemap là tốt. Tuy nhiên ta cần phải lưu ý 1 số trường hợp sau:

1.1. Số lượng index = 0

Đây là trường hợp… căng thẳng nhất. Một số nguyên nhân xảy ra trường hợp này:

  • Site vừa làm xong, chưa được Google biết đến. Trường hợp này bạn chỉ cần submit sitemap cho Google thông qua Google Search Console (Google Webmaster Tools), đi backlink và chờ đợi.
  • Site bị chặn bởi Robots. Bạn kiểm tra file robots.txt và thẻ meta robots để gỡ ra, sau đó submit lại cho Google.
  • Site bị Google deindexed. Đây là trường hợp rất tệ. Website trong quá khứ đã vi phạm quy định của Google và bị Google xóa hoàn toàn khỏi cơ sở dữ liệu. Trường hợp này, bạn không cần SEO nữa vì sẽ không có tác dụng gì cả.

Trong trường hợp số lượng index > 0 nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng link trong sitemap, bạn cũng phải kiểm tra kỹ 3 trường hợp trên.

1.2. Số lượng index > số lượng link trong sitemap

Nếu trường hợp này xảy ra, website của bạn có thể đang bị lỗi trùng lặp nội dung, dẫn đến 1 link trong sitemap có nhiều phiên bản khác nhau trên Google. Để khắc phục trường hợp này, bạn cần sử dụng thẻ meta Canonical cũng như 301 redirect.

Cách kiểm tra: extension Open SEO Stats hoặc chỉ cần gõ vào Google: site:website.cuaban và xem kết quả.

2. Tuổi domain (Domain Age)

Domain được sử dụng càng lâu, càng được Google đánh giá cao (theo kiểu “sống lâu lên lão làng”). Trong trường hợp bạn sử dụng 1 domain hoàn toàn mới, bạn nên gia hạn càng lâu càng tốt (5 – 10 năm) để Google đánh giá cao mức độ nghiêm túc của bạn trong việc sử dụng domain.

Cách kiểm tra: extension Open SEO Stats hoặc rất nhiều tools có thể tìm trên Google.

3. Domain Authority (DA) & Page Authority (PA)

domain authority

DA và PA là chỉ số đánh giá độ mạnh và uy tín của website do Moz đưa ra.  Thang điểm của DA và PA là 1 – 100, càng cao càng tốt. Thông thường, đẩy DA và PA từ 0 đến 30 thì khá đơn giản, nhưng lên 50 sẽ khó hơn và không nhiều website trên 80. DA đánh giá trên toàn bộ domain đó, còn PA sẽ đánh giá trên từng trang.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến DA và PA: tuổi domain, backlink chất lượng, độ lớn của website, traffic…

Cách kiểm tra: /tại https://moz.com/researchtools/ose/ hoặc cài extension Mozbar cho Chrome & Firefox.

4. Tốc độ website

Tốc độ website là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng cũng như đánh giá của Google. Nếu website quá chậm, người truy cập sẽ bỏ đi hoặc ít tương tác. Nếu chậm quá, Google bot không truy cập được thì ảnh hưởng rất lớn đến quá trình index.

Cách kiểm tra: extension Open SEO Stats hoặc https://gtmetrix.com/ hoặc https://developers.google.com/speed/pagespeed/

5. Chỉ số Alexa

Chỉ số Alexa ngày xưa rất được ưa chuộng, nhưng do có quá nhiều người “hack” chỉ số số này nên độ tin cậy không còn được cao. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo qua để xem lượng truy cập vào website có tốt hay không.

Cách kiểm tra: extension Open SEO Stats hoặc http://www.alexa.com/

6. Page Rank

Chỉ số Page Rank (PR) là chỉ số đánh giá độ mạnh của domain, “chính chủ” Google nên một thời được ưa chuộng kinh khủng. Dân SEO lúc nào cũng ngồi soi domain này domain kia PR bao nhiêu, và tìm đủ mọi cách để “ép” PR. Trước tình trạng lạm dùng đó, Google đã ngừng cập nhập chỉ số PR trong khoảng 3 năm vừa rồi. Do đó, PR giờ chỉ là 1 chỉ số mang tính tham khảo đối những domain đã hoạt động cách đây 3 năm trước.

Cách kiểm tra: http://checkpagerank.net/

7. Ahrefs

ahrefsĐây mới chính là chỉ số “hot” trong năm 2015 và 2016 này. Ahrefs là dịch vụ kiểm tra và đánh giá backlink số 1 hiện nay, giúp chúng ta “soi” được lịch sử SEO của website 1 cách tổng quan nhất. Dĩ nhiên hiện nay có cách để chặn Ahrefs bot để tránh bị đối thủ soi, nhưng cơ bản thì Ahrefs vẫn rất hữu ích.

Các chỉ số trên Dashboard đều hữu ích, nên thật khó để lọc ra chỉ số nào là quan trọng hơn. Ở đây, mình chỉ gợi ý 1 số vấn đề thường gặp để các bạn tiện kiểm tra:

  • Số lượng backlink có tăng/giảm đột biến không để kiểm tra việc mua/gỡ backlink.
  • Số lượng backlink bắt đầu tăng khi nào để dự đoán thời điểm bắt đầu SEO.
  • Từ khóa (anchor text) có đa dạng không, hay chỉ tập trung vào những từ khóa chính?
  • Ahrefs rank có tốt không?
  • Tỉ lệ backlink/referral site càng thấp càng tốt.
  • Có đi link nofollow cho đa dạng không hay chỉ toàn dofollow?
  • Có đa dạng loại backlink không: text, image, redirect, frame,…
Cách kiểm tra: https://ahrefs.com/

Những phần khác về Audit Website

Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc góp ý đề bài viết hoàn thiện hơn, xin hãy comment ngay bên dưới để mọi người cùng trao đổi. Vui lòng để nguồn SEO Căn Bản khi đăng tải lại bài viết này.