Khi nhắc đến SEO, chắc chắn rất nhiều người đã hiểu về khái niệm, kết quả của SEO ra sao và hiệu quả kinh doanh do SEO mang lại là như thế nào. Và sau khi nắm được các khái niệm, chúng ta cần có Quy trình SEO phù hợp, với nhiệm vụ như 1 tấm bản đồ, để từ đó vạch ra các mục tiêu, kế hoạch, hành động đúng đắn.

Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin giới thiệu một Quy trình SEO căn bản, có thể áp dụng cho rất nhiều dự án khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng Quy trình SEO này cho công việc kinh doanh của mình. Nó bao gồm 7 bước như sau:

Quy trình SEO căn bản

1. Chọn lĩnh vực kinh doanh

Một công ty có thể kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, và trong cùng 1 lĩnh vực sẽ có rất nhiều ngách (niche market). Ví dụ 1 công ty in ấn sẽ có 1 số sản phẩm in như in trên giấy, in trên nhựa, in trên inox… Và trong 1 lĩnh vực “in trên giấy” sẽ có các ngách như in túi giấy, in hộp giấy, in tờ rơi, in bao thư… Mỗi ngách như thế sẽ có thể có những đối tượng khách hàng khác nhau, nội dung khác nhau, cách tương tác với khách hàng khác nhau.

Một số gợi ý để bạn làm tốt bước chọn lĩnh vực kinh doanh:

  1. Liệt kê tất cả những lĩnh vực kinh doanh của công ty/khách hàng. Bạn có thể xem website đối thủ để xem có những lĩnh vực nào công ty sẽ mở rộng trong thời gian tới. Nên dùng Mindmap để liệt kê & có được cái nhìn tổng quan.
  2. Sắp xếp các lĩnh vực kinh doanh theo thứ tự ưu tiên để SEO. Thông thường chúng ta không đủ nguồn lực để SEO cùng 1 lúc tất cả các lĩnh vực được. Do đó, bạn phải có 1 danh sách ưu tiên tập trung vào lĩnh vực gì trước, lĩnh vực gì sau. Có 1 vài tiêu chí để sắp xếp như: độ cạnh tranh của từ khóa (xem ở bước 2), lợi nhuận, nguồn lực sẵn có, thế mạnh của công ty,…
Lĩnh vực in ấn
Lĩnh vực kinh doanh ngành in ấn. Hình chỉ mang tính chất minh họa.
Việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh đúng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh, từ đó có nguồn lực mới để tái đầu tư vào SEO ở các giai đoạn sau.

2. Chọn từ khóa hiệu quả

Với mỗi lĩnh vực kinh doanh, bạn sẽ tìm từ khóa hiệu quả tương ứng. Tôi có 1 bài hướng dẫn chi tiết Những cách tìm từ khóa hiệu quả để bạn tham khảo.

Sau khi đã có danh sách từ khóa hiệu quả, chúng ta còn 1 bước nữa là so sánh với các đối thủ hiện tại trên Google để ước lượng khả năng chúng ta vượt qua họ. Để làm được điều này chúng ta cần 1 số công cụ hỗ trợ cũng như kinh nghiệm của những người làm SEO lâu năm. Bước này có thể thay đổi thứ tự ưu tiên của các lĩnh vực để SEO.

Việc lựa chọn từ khóa sẽ quyết định đến toàn bộ quá trình SEO sau này, vì tất cả các bước sau đều dựa vào từ khóa để hành động. Do đó, hãy đầu tư nhiều cho bước này.

3. Xây dựng nội dung

Với danh sách từ khóa có được, hãy viết nội dung cho từ khóa đó. Riêng đối với SEO, thì có 2 tiêu chí quan trọng mà bạn phải nắm là:

  1. Không được copy từ 1 bài viết khác đã được Google index.
  2. Viết cho NGƯỜI ĐỌC và tối ưu cho GOOGLE ĐỌC (xem ở bước 4).

Còn nếu xét về Marketing, bạn phải viết làm sao để thật hay, hấp dẫn, trau chuốt, và đặc biệt là phải có “kêu gọi hành động” (CTA – call-to-action). Phải có 1 kỳ vọng là sau khi người dùng đọc bài viết sẽ có hành động gì (ví dụ: gọi điện đặt hàng, nhấn nút mua hàng, điền form đăng ký…) để xây dựng nội dung điều hướng người đọc theo hành động đó.

Cách xây dựng nội dung cũng rất đa dạng. Cùng 1 ý tưởng, 1 từ khóa nhưng cách tiếp cận khác nhau sẽ có những nội dung khác nhau như:

  • Giải thích các định nghĩa
  • Chia sẻ các kinh nghiệm
  • Phỏng vấn 1 chuyên gia trong ngày
  • Đặt ra các giả thuyết ngược
  • Làm inforgraphic, video

Ngoài ra, cách đặt tiêu đề cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công của nội dung. Một tiêu đề hay sẽ kích thích mọi người click nhiều hơn, tương tác nhiều hơn và lên top nhanh hơn 🙂

Nội dung hấp dẫn và hữu ích giúp xây dựng sự gắn kết giữa khách hàng và website. Từ đó nội dung sẽ được Google đánh giá cao và ưu tiên xuất hiện.

4. Xây dựng website và tối ưu nội dung chuẩn Onpage

Về cơ bản, Google dù thông minh cỡ nào thì nó vẫn là máy móc. Nó sẽ đọc website của chúng ta, hiểu và đánh giá chất lượng dựa trên các tiêu chí đã được định nghĩa sẵn. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Onpage chính là giúp Google hiểu đúng nội dung mình muốn nó hiểu. Ví dụ, mình viết 1 bài về “in túi giấy” thì Onpage tốt sẽ giúp Google hiểu nội dung bài này là “in túi giấy” chứ không phải “in túi ni-lông”.

Để làm tốt bước này, chúng ta cần thiết kế website và viết nội dung tuân theo các chuẩn Onpage như trong bài viết Hướng dẫn SEO Onpage chuẩn.

huong dan seo onpage chuan

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Onpage là giúp Google hiểu đúng những gì ta muốn nói.

5. Xây dựng liên kết & mạng xã hội

Đây chính là bước chiếm nhiều nguồn lực nhất trong Quy trình SEO. Bạn phải xây dựng nhiều liên kết (backlink) từ website khác đến website của mình. Bạn phải chia sẻ bài viết của mình lên các trang Mạng xã hội để mọi người cùng nhau tương tác, thảo luận, chia sẻ…

Để so sánh cho dễ hiểu, Google xem mỗi liên kết về website của mình là một “lá phiếu” (vote). Website nào được nhiều “phiếu” hơn thì website đó sẽ được xem là có uy tín hơn. Tuy nhiên, không phải mọi “lá phiếu” đều có chất lượng ngang nhau. “Phiếu” từ 1 website chất lượng sẽ được đánh giá cao hơn. Ngoài ra, Google cũng thường xuyên phạt những website nào cố ý đi mua “phiếu” nhằm đảm bảo sự công bằng.

Vì đây là bước tốn nhiều nguồn lực cũng như ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả SEO, nên có rất nhiều chiến lược khác nhau để xây dựng liên kết hiệu quả.

Hãy xây dựng thật nhiều backlink chất lượng cho website của mình

6. Đo lường, đánh giá

SEO là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về nguồn lực và thời gian. Để đảm bảo mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, hạn chế các rủi ro cũng như xác định hiệu quả của từng giai đoạn, bạn cần có những công cụ đánh giá phù hợp. Ở đây mình liệt kê ra 1 số tiêu chí và công cụ giúp bạn đo lường và đánh giá:

  1. Số lượng nội dung đã viết. Xem các nội dung đã được tối ưu và tất cả từ khóa đều có bài viết hay chưa.
  2. Số lượng/chất lượng backlink. Chúng ta có thể sử dụng Google Search Console, Ahrefs để xem báo cáo, nhưng tốt nhất là hãy lưu lại tất cả những liên kết được tạo ra trong suốt quá trình SEO.
  3. Hành vi người dùng bao gồm thời gian xem trang, tỉ lệ click, tỉ lệ thoát, tỉ lệ quay lại… Google Analytics có lẽ là công cụ tốt nhất.
  4. Vị trí các từ khóa. Bạn có thể search trực tiếp trên Google để kiểm tra.
  5. Số lượng clickTỉ lệ click (CTR – Click Throught Rate) tương ứng với mỗi từ khóa. Google Search Console là một công cụ hiệu quả để xem các số liệu này.

Ngoài ra, việc thường xuyên đo lường và đánh giá cũng giúp bạn đỡ sốt ruột khi SEO. Một thực tế là SEO cần nhiều thời gian hơn các công cụ Marketing để có kết quả như mong muốn. Do đó việc đo lường thường xuyên sẽ giúp chúng ta nhìn thấy được các kết quả ngắn hạn đóng góp vào kết quả chung cuối cùng.

Thường xuyên đo lường & đánh giá để biết chúng ta đã được những gì và cần làm gì tiếp theo

7. Tối ưu hóa

Dựa vào kết quả của bước 6, bạn sẽ xem xét lại những công việc từ bước 1 đến bước 5 để có những hành động cải tiến kết quả SEO. Mình xin nhắc lại, SEO là một quá trình lâu dài và thay đổi thường xuyên. Tối ưu hóa trong mỗi giai đoạn sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả tốt hơn, nhanh hơn và kinh doanh tốt hơn.

Chúc các bạn SEO thành công ^_^

tảng băng seo

Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc góp ý đề bài viết hoàn thiện hơn, xin hãy comment ngay bên dưới để mọi người cùng trao đổi. Vui lòng để nguồn SEO căn bản khi đăng tải lại bài viết này.