huong dan seo onpage chuan

Những ai đã biết về SEO đều sẽ biết SEO Onpage là một trong những bước rất quan trọng trong toàn bộ quá trình SEO. Về cơ bản, mục đích của SEO Onpage là giúp Google hiểu rõ trang web của chúng ta đang đề cập đến vấn đề gì và mối tương quan giữa nội dung với những trang web khác là như thế nào. Dĩ nhiên vấn đề đó sẽ là những từ khóa mà chúng ta đã tìm ra để SEO (Xem thêm: Những cách tìm từ khóa hiệu quả).

Tại sao phải SEO Onpage chuẩn?

“Người” đọc nội dung website của chúng ta là những con bot của Google. Chúng do Google lập trình ra, do đó, dù có tinh vi đến mức nào thì bản chất chúng cũng là những cỗ máy thu thập thông tin theo những thuật toán nhất định. Vì thế, làm SEO Onpage chuẩn, tức là cấu trúc website theo những quy tắc để con bot của Google thu thập và phân loại nội dung trang web nhanh chóng và chính xác.

Gọi là “chuẩn” nhưng thật ra không chuẩn! Lý do là Google không bao giờ công bố những thuật toán liên quan đến cách thức thu thập thông tin và đánh giá kết quả xếp hạng. Những tiêu chí “chuẩn” này do SEOer trên khắp thế giới thử nghiệm và đúc kết qua hàng triệu triệu lần làm SEO.

Trong bài viết này, tôi sẽ SEO từ khóa “SEO Onpage” để làm ví dụ cho các bạn dễ hiểu.

1. Từ khóa & Viết nội dung

Từ khóa là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tất cả vấn đề trong SEO Onpage. Do đó bạn cần phải xác định rõ mình đang SEO cho từ khóa/nhóm từ khóa nào trước khi thực hiện các tiêu chí bên dưới.

Số lượng từ

Một bài viết tốt, đầy đủ và đa dạng chắc chắn không thể nào có ít từ được. Theo khảo sát mới nhất năm 2014, một bài viết được SEO Onpage tốt nên có số lượng tối thiểu là 450 từ. Nếu dưới 200 từ, Google sẽ xem bài viết nghèo nàn nội dung.

Bài viết bạn đang xem có 1870 từ

Mật độ từ khóa

Nếu nội dung chúng ta viết đề cập đến khái niệm ABC nào đó, thì cụm từ ABC, cũng như những từ liên quan, sẽ xuất hiện ở nhiều nơi trong nội dung. Theo đa số các chuyên gia, mật độ một từ khóa xuất hiện trong nội dung tầm khoảng 3-5% là ổn. Nếu thấp quá, Google sẽ khó hiểu được nội dung của bạn đang nói đến ABC. Nếu nhiều quá, Google sẽ cho rằng bạn đang cố tình nhồi nhét từ khóa (keyword stuffing) và đánh giá thấp nội dung. Tệ hơn nữa, bạn có thể bị Google phạt bởi thuật toán Panda.

Mật độ từ khóa “SEO Onpage” trong bài viết này: 3.53%

Xem thêm về Mật độ từ khóa dưới góc nhìn của Google.

Phân bố từ khóa

Nếu chỉ nói đến 3-5% thôi là chưa đủ. Bạn phải phân bố từ khóa trong nội dung một cách tự nhiên (với Google, mọi thứ càng tự nhiên càng tốt). Bạn không được nhồi vào đầu bài, hoặc cuối bài, mà nên rải đều từ khóa cũng như các từ khóa liên quan. Theo kinh nghiệm của mình, khi viết bài, bạn khoan quan tâm đến mật độ mà hãy viết thật tự nhiên, sau đó kiểm tra lại và thêm bớt cho hợp lý.

Từ khóa nên xuất hiện trong đoạn đầu tiên của bài viết (nhưng không bắt buộc).

Từ khóa “SEO Onpage” được phân phối đều, xuất hiện trong đoạn đầu tiên. Cảm giác đọc bài viết không bị gượng ép vào từ khóa và có nhiều từ khóa liên quan: SEO Onpage chuẩn, hướng dẫn SEO Onpage,…

In đậm, in nghiêng

Trong một bài viết, in đậm và in nghiêng dùng để nhấn mạnh nội dung nào đó. Hãy nhấn mạnh vào từ khóa mong muốn.

Hình ảnh

Do Google không nhìn hình ảnh bằng mắt và phân tích chúng như bộ não con người, nên nó không thể hiểu được tấm ảnh đang nói đến vấn đề gì. Do đó, bạn cần phải giúp Google hiểu được hình ảnh tốt hơn bằng những cách sau:

  • Tên file hình:  chứa từ khóa và định dạng theo kiểu ten-file-hinh-anh.jpg
  • Thẻ alt: đây là thẻ mô tả nội dung hình. Trong trường hợp trình duyệt không tải được hình, nó sẽ thay thế bằng nội dung trong thẻ alt. Bạn cần đặt từ khóa vào đây.
  • Thẻ title: Nội dung trong thẻ title sẽ hiện lên khi bạn rê chuột vào 1 tấm hình. Bạn cũng nên chèn từ khóa vào.

Lưu ý, với những bài viết có nhiều hình. Bạn không nên làm tên hình ảnh cũng như nội dung các thẻ giống nhau mà hãy thay bằng những từ khóa dài liên quan xoay quanh từ khóa chính cần SEO.

2. Mã nguồn Website

Ở nội dung này, chúng ta sẽ tìm hiểu các nguyên tắc lập trình chuẩn SEO Onpage. Các con Google  bot không thể xem website bằng mắt như con người, mà chúng sẽ đọc và phân tích mã nguồn của website. Do đó, một mã nguồn chuẩn SEO Onpage sẽ giúp các con bot hiểu đúng cấu trúc nội dung một cách dễ dàng.

Thẻ Title

Mỗi trang web sẽ có một Title (Tiêu đề) khác nhau, xuất hiện trên tab của trình duyệt. Nguyên tắc là bạn sẽ đặt từ khóa cần SEO vào thẻ Title, càng gần đầu càng tốt. Đây là tiêu chí rất quan trọng và bắt buộc phải làm. Nội dung của thẻ Title chứa tối đa 70 kí tự trong kết quả hiển thị của Google.

Title của bài viết này là Hướng dẫn SEO Onpage chuẩn – SEO Căn bản 

URL

Mỗi trang web có một URL (hay còn gọi là đường link). Bạn cũng cần đặt từ khóa vào trong URL và càng gần đầu càng tốt. Đây là tiêu chí rất quan trọng và bắt buộc phải làm trong SEO Onpage.

Trong URL, bạn nên sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ đọc và phân cách các từ bằng dấu “-“. Không nên sử dụng cách trình bày URL kiểu như abc.com?id=12345 hoặc abc.com/huongdanseoonpagechuan.

URL của bài viết này là http://seocanban.com/onpage/huong-dan-seo-onpage-chuan/

Meta Description

Nội dung của thẻ Meta Description sẽ xuất hiện 2 dòng mô tả trong kết quả tìm kiếm của Google. Hiện nay, Google đã không còn coi trọng nội dung của thẻ Meta Description. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đặt từ khóa của mình vào để giúp người tìm kiếm hiểu rõ trang web của bạn đang đề cập đến vấn đề gì.

Trong thẻ Meta Description, đừng nhồi từ khóa vào vì chẳng có ý nghĩa gì cả. Hãy viết nội dung thật hay để thu hút người đọc click vào.

Nội dung thẻ Meta Description của bài viết này: SEO Onpage chuẩn sẽ giúp trang web lên top rất nhanh và tránh bị Google phạt. Đây là những tiêu chí quan trọng mà một người làm SEO Onpage cần phải nắm rõ.

Heading

Những thẻ Heading bao gồm từ <h1> đến <h6>. Chúng được xem như những đề mục được phân cấp nhỏ hơn trong nội dung. Chú ý, trong 1 trang web chỉ có 1 thẻ <h1>, được Google xem như tiêu đề của nội dung, và có chứa từ khóa. Số lượng <h2> đến <h6> tùy ý, nên có từ khóa trong đó.

Trong bài viết này, thẻ H1 có nội dung là Hướng dẫn SEO Onpage chuẩn

Tỉ lệ Text/HTML

Đây là tỉ lệ giữa nội dung thấy được so vơi toàn bộ mã nguồn của website. Tỉ lệ này nên trên 20%.

Tỉ lệ Text/HTML của bài viết này là 35%

Index

Muốn được các con bot của Google ghé thăm, trang web của bạn không bị chặn bởi thuộc tính “noindex” trong file robots.txt hoặc thẻ meta robots. Tôi cũng sẽ có 1 bài viết riêng cho nội dung này.

3. Những nội dung SEO Onpage khác

Meta Canonical

Thẻ Canonical giúp Google xác định đâu là URL gốc của bài viết, giúp tránh bị lỗi trùng lặp nội dung. Tôi sẽ viết 1 bài viết khác mô tả kỹ hơn về chức năng và cách sử dụng thẻ Canonical.

Số lượng liên kết ra ngoài

Số lượng liên kết ra ngoài website khác trong 1 trang web chỉ nên tối đa là 20. Nếu nhiều hơn, chúng sẽ làm giảm rõ rệt PR của trang web. Nếu trang web có nhiều hơn 100 liên kết ra ngoài thì sẽ bị Google đánh giá xấu.

Trong những trường hợp cần đặt nhiều liên kết ngoài (ví dụ như các bài tổng hợp) thì đặt rel=”nofollow” vào các liên kết đó để giữ giá trị cho trang web.

Số lượng liên kết ra ngoài của trang này là 4.

Lời kết

SEO là một lĩnh vực rộng lớn và bao gồm nhiều công việc khác nhau. SEO Onpage là một trong những công việc đơn giản vì chúng ta hoàn toàn chủ động được, có tiêu chí rõ ràng, và ảnh hưởng rất lớn đến kết quả SEO của bạn. Để tìm hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của SEO Onpage, hãy đọc bài viết.

Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc góp ý đề bài viết hoàn thiện hơn, xin hãy comment ngay bên dưới để mọi người cùng trao đổi. Vui lòng để nguồn SEO căn bản khi đăng tải lại bài viết này.