SEO Audit website

Audit Website (tạm gọi là “kiểm định website”) là một công việc rất quan trọng trong kế hoạch SEO, được thực hiện trước khi bạn bắt đầu lên phương án SEO cho website đó. Mục đích của việc audit website là:

  1. Website đã được tối ưu hóa mã nguồn và nội dung theo chuẩn Onpage hay chưa? Website có bất cứ lỗi gì cần phải giải quyết để không ảnh hưởng đến quá trình SEO sau này?
  2. Các chỉ số chất lượng của website thế nào? Lịch sử SEO của website ra sao?
  3. Làm sao để tận dụng được kết quả tốt cũng như khắc phục những kết quả xấu do lịch sử SEO trước đó đem lại?

Trong phần này, tôi sẽ liệt kê các tiêu chí Onpage khi Audit Website để trả lời cần phải kiểm tra để trả lời câu hỏi số (1), đồng thời hướng dẫn một số công cụ (miễn phí lẫn có phí) để kiểm tra các tiêu chí mà chúng ta đặt ra. Các tiêu chí đó bao gồm:

1. Kiểm tra mã nguồn website

Mã nguồn webiste mà chúng ta kiểm tra Onpage là mã nguồn được hiển thị trên trình duyệt, chứ không phải mã nguồn được lập trình từ server (như PHP hay ASP). Trên trình duyệt Chrome, chúng ta có thể nhấn tổ hợp phím Ctrl+U (Cmd+Opt+U đối với MacOS) để xem mã nguồn 1 website. Đây chính là nội dung mà Google sẽ đọc. Qua đó, chúng ta sẽ kiểm tra 1 số thông tin bao gồm:

  • Thẻ <title>: kiểm tra tiêu đề của trang.
  • Thẻ <meta name=”description”…>: kiểm tra mô tả của trang.
  • Thẻ <link rel=”canonical“..>: kiểm tra link Canonical của website.
  • Thẻ <meta name=”robots”…>: kiểm tra trang có chặn Google bot bởi noindex hay không.
  • File robots.txt: tương tự như thẻ meta robots, kiểm tra file robots.txt xem trang web có chặn Google bot hay không.
  • Thẻ H1 <h1>: 1 trang web chỉ có 1 thẻ H1 và phải chứa từ khóa trong đó.
  • Thẻ H2… H6 <h2>…<h6>: xem cấu trúc sắp xếp các thẻ có hợp lý hay không và có chứa từ khóa (bao gồm cả từ khóa dài & từ khóa liên quan) hay không.
  • Thẻ alt của hình ảnh: xem có hình nào bị trống thẻ alt cũng như nội dung trong thẻ có phù hợp với từ khóa cần SEO hay không.
  • URL: kiểm tra URL của trang web có thân thiện với SEO hay không.
  • Tốc độ tải trang: website nên được tải hoàn tất trong vòng 10s, tốt nhất là dưới 2 giây.
  • Tổng số link trên trang: nên dưới 100 link. Nếu nhiều hơn, đặc biệt là link out nhiều, rất dễ bị thuật toán Penguin đánh giá là link farm.
  • Số link out so với tổng số link trên trang: con số này nên <50%. Nếu nhiều hơn 50%, thì Pagerank Flow của trang bị ra ngoài quá nhiều, cũng như dễ bị thuật toán Penguin đánh giá là link farm.
Tất cả những tiêu chí trên chúng ta có thể kiểm tra bằng Extension “SEO Doctor” của Firefox.

2. Các tiêu chí nội dung & từ khóa

Những tiêu chí onpage nội dung và từ khóa, tôi đã chia sẻ rất rõ trong bài Hướng dẫn SEO Onpage chuẩn. Ở đây, tôi chỉ tổng hợp và liệt kê lại.

  • Số lượng từ trên trang: tối thiểu 300 từ, khuyến khích là 500 từ trở lên.
  • Mật độ từ khóa: phân bố khoảng 3 – 5%.
  • Phân bố từ khóa: phân bố đồng đều tất cả từ khóa, từ khóa dài, từ khóa liên quan.
  • In đậm & in nghiêng từ khóa

Ngoài ra, chúng ta cũng nên kiểm tra có các trang web nào trong cùng website bị trùng lặp tiêu đề và trùng lặp nội dung thẻ <meta name=”description”…> hay không. Một số website tạo những nội dung này tự động theo template, rất dễ xảy ra hiện tượng trùng lặp.

Tất cả những tiêu chí Audit Website Onpage trên chúng ta có thể kiểm tra bằng plugin Yoast SEO của WordPress. Nếu bạn không sử dụng WordPress, bạn vẫn có thể copy nội dung vào để kiểm tra và chỉnh sửa, sau đó post lên website khác.

3. Các tiêu chí Index và quét nội dung site

Tiếp tục chủ đề Audit Website, chúng ta sẽ kiểm tra những tiêu chí liên quan đến việc index và quét nội dung site của Google bot. Những tiêu chí này rất đơn giản nhưng quan trọng, và gây ảnh hưởng rất lớn đến việc Google đọc website của chúng ta thế nào.

  • Trang bị lỗi 4xx: đây là lỗi quan đến việc đọc trang, và lỗi thường gặp nhất là lỗi 404 – File not found. Kiểm tra website có trang nào bị lỗi này không và xử lý bằng 301 redirect.
  • Trang bị lỗi 5xx: lỗi này xuất phát từ phía server. Kiểm tra mã nguồn webiste và server để khắc phục.
  • File robots.txt: đây là 1 file rất quan trọng. Google bot đọc file này đầu tiên khi nó viếng thăm 1 trang web, để xem nó có được quyền đọc trang web đó hay không. Đã có nhiều trường hợp người làm SEO quên mất file này đang chặn toàn bộ website, dẫn đến việc SEO vô nghĩa.
  • .xml Sitemap: đây là file chứa “bản đồ” của website. Nó sẽ giúp Google bot quét nội dung nhanh hơn, so với việc Google bot phải đi lòng vòng trong website của bạn. Ngoài ra thuộc tính <priority> của mỗi trang còn cho Google bot biết trang này nên được quét thường xuyên hơn.

4. Các tiêu chí chuyển hướng truy cập

Các tiêu chí chuyển hướng truy cập (Redirects) giúp bạn thống nhất cấu trúc website của mình, tránh bị những lỗi trùng lặp nội dung không đáng có. Một số tiêu chí bạn nên kiểm tra qua:

  • Xử lý www và non-www: Website có thể tồn tại 2 phiên bản: có www (ví dụ: http://www.seocanban.com) và không có www (ví dụ: http://seocanban.com). Bạn phải lựa chọn 1 phiên bản chính, và redirect phiên bản còn lại về phiên bản chính. Nếu không, sẽ xảy ra trường hợp trùng lặp nội dung của 2 phiên bản.
  • Xử lý HTTP và HTTPS: với những website sử dụng SSL, cần phải redirect phiên bản HTTP sang HTTPS để không bị trùng lặp nội dung. Nếu website không sử dụng SSL, không cần quan tâm đến tiêu chí này.

5. Tiêu chí kỹ thuật khác

Một số tiêu chí liên quan đến kỹ thuật bạn cũng nên kiểm tra.

  • Thân thiện với thiết bị di động: Google đã có thuật toán kiểm tra tính thân thiện với thiết bị di động và nó ảnh hưởng đến việc xếp hạng website của bạn khi người dùng xem trên thiết bị di động. Thuật toán này dựa trên những tiêu chí cơ bản như kích thước font chữ, kích thước button, khoảng cách giữa các link, phân bố nội dung, viewpoint…
  • Frame và flash: Google bot không đọc nội dung trong frame và file flash. Do đó, hãy cân nhắc khi sử dụng chúng trong website.
  • Trang có dung lượng quá lớn: dung lượng của trang quá lớn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tải trang, và trải nghiệm người dùng. File html nên nhỏ hơn 256kB, và hình ảnh cũng nên lưu dưới dạng “Save for web”, đồng thời sử dụng Gzip của server.
  • Cài đặt Google Analytics: kiểm tra xem website đã được cài đặt Google Analytics. Việc này không ảnh hưởng đến SEO, nhưng đây là 1 công cụ rất tốt và rất nên sử dụng.
  • Cài đặt Google Search Console: đây là 1 công cụ rất mạnh hỗ trợ cho SEO, theo dõi “bệnh tình” của website cũng như là kênh liên lạc chính thống giữa Google và website. Tôi sẽ có hướng dẫn sử dụng công cụ này ở 1 bài khác.
Tất cả những tiêu chí Audit Website trong nhóm 3, 4 và 5 tôi thường sử dụng phần mềm Website Auditor trong bộ phần mềm SEO Power Suite để kiểm tra. Với những tiêu chí tôi đưa ra, bạn có thể kiểm tra bằng tay hoặc tìm những phần mềm miễn phí để kiểm tra từng phần.

Những phần khác về Audit Website