Như đã đề cập ở bài viết Từ khóa là gì, việc xác định đúng từ khóa là vô cùng quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công việc SEO của bạn về sau. Thông thường, có những lỗi sau đây khiến cho việc tìm từ khóa không đạt hiệu quả như mong muốn:

  • Chỉ lựa chọn theo cảm tính. Cách làm này không hẳn là sai, vì dù sao chúng ta cũng phải xác định 1 vài ý tưởng trong đầu trước. Tuy nhiên, không hẳn những gì khách hàng nghĩ cũng giống như ta nghĩ.
  • Từ khóa không ai tìm kiếm. Những từ khóa này thường dễ SEO, nhưng lại rất khó để có khách hàng vì chẳng ai tìm kiếm cả.
  • Từ khóa quá khó. Nhiều người thích “thử thách” bắt tay vào chiến đấu những từ khóa cạnh tranh cao ngay từ đầu, khiến công việc SEO dễ gây nản chí vì tốn quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mà hiệu quả chưa thấy đâu.
  • Từ khóa có tỉ lệ chuyển đổi thấp. Đây là những từ khóa chung chung và không liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực kinh doanh của chúng ta.

Ok, vậy thì đâu là cách tìm ra từ khóa hiệu quả? Cùng theo dõi 5 bước Tìm từ khóa hiệu quả nhé:

Bước 1: Xác định mục tiêu

Ở bước này, chúng ta chưa làm gì liên quan đến việc tìm từ khóa, mà hãy hiểu rõ chính mình. Tại sao bạn làm website, và đối tượng bạn mong muốn vào xem website của bạn là ai? Họ đến website của bạn vì mục đích gì và sẽ làm gì?

Một khi bạn đã hiểu được chính mình và hiểu được đối tượng truy cập website, bạn sẽ có những chiến lược lựa chọn từ khóa phù hợp và chiến lược SEO đúng đắn. Ví dụ, nếu bạn đang làm site tin tức, và muốn thu hút những người đang có nhu cầu tìm hiểu thông tin, thì bạn sẽ hướng đến những từ khóa ngắn có lượng tìm kiếm lớn. Nếu bạn làm site để kinh doanh sản phẩm/dịch vụ, hãy tập trung vào những từ khóa có tỉ lệ chuyển đổi cao.

Bước 2: Dự đoán từ khóa

Sau khi đã thực hiện bước 1, bạn sẽ hình dung được đối tượng truy cập website của bạn sẽ tìm đến bạn thông qua những từ khóa nào. Để giảm bớt sự cảm tính, tôi đưa ra 1 công thức để bạn chọn từ khóa:

K + B + A + T + L

Trong đó:

  • K (Keyword): từ khóa chính liên quan trực tiếp đến nội dung tìm kiếm.
  • B (Brand): thương hiệu
  • A (Attribute): những tính chất xoay quanh từ khóa
  • T (Target Audience): đối tượng bạn muốn nhắm đến
  • L (Location): địa điểm

Chúng ta có 1 ví dụ về công thức KBATL như sau. Bạn mở 1 cửa tiệm bán áo sơ mi tại TP.HCM, và bạn muốn làm SEO để tìm kiếm khách hàng. Đây là những từ khóa hiệu quả mang lại tỉ lệ chuyển đổi tốt

  • Áo sơ mi (K) nam (T) Việt Tiến (B) giá rẻ (A) tại TP.HCM (L)
  • Áo sơ mi (K) nữ (T) tay ngắn (A) ở Quận 1 (L)

Trong trường hợp này, 2 từ khóa trên sẽ mang lại hiệu quả chuyển đổi cao hơn rất nhiều so với từ khóa “áo sơ mi”. Bạn cần liệt kê ra nhiều từ khóa như thế, SEO vào đúng từng đối tượng.

Bước 3: Sử dụng Google Suggest

Hãy thử search trên Google, rất có thể bạn sẽ thấy được những gợi ý của Google như hình bên dưới. Đó là những cụm từ được tìm kiếm nhiều, và chắn chắn bạn sẽ tìm ra được những từ khóa phù hợp với mình.

google suggest ao so mi nu

tim tu khoa hieu qua bang google suggest

Tuy nhiên, để thử hết tất cả các trường hợp trên Google Search Box thì sẽ mất nhiều thời gian, nên bạn hãy dùng UberSuggest để tìm kiếm. Về cơ bản, UberSuggest sẽ quét qua tất cả những khả năng của Google Suggest và sắp xếp lại cho bạn theo thứ tự ABC. Bạn chỉ cần đọc qua và lọc ra những từ khóa phù hợp.

áo sơ mi ubersuggest.org

Bước 4: Sử dụng Google Keyword Planner

Nhắc đến nghiên cứu từ khóa hiệu quả, thì không thể không nhắc đến Google Keyword Planner. Đây là công cụ thống kê số lượng tìm kiếm đối với 1 từ khóa trong tháng, giúp ta biết được khả năng tiếp cận được bao nhiêu khách hàng. Ngoài ra, Google Keyword Planner cho ta biết độ cạnh tranh của từ khóa đó (độ cạnh tranh này được tính chủ yếu sử dụng cho Google Adwords, nhưng cũng có kết quả tương tự với SEO).

Nhìn vào hình bên dưới, bạn sẽ thấy rõ hơn những thông tin mà Google Keyword Planner cung cấp. Ngoài những từ khóa bạn nhập vào, Google Keyword Planner còn gợi ý những từ khóa liên quan có số lượng tìm kiếm tốt. Bạn có thể download những từ khóa này về máy tính dưới dạng file Excel.

google-keyword-planner

 

Bước 5: Sử dụng Google Trends

Google Trends là 1 công cụ khác của Google, cho ta thấy được xu hướng tìm kiếm từ khóa hiện tại như thế nào. Nếu xu hướng đang tăng lên, tức là từ khóa đó đang ngày càng “hot” và đáng để đầu tư. Ngược lại, nếu xu hướng tìm kiếm từ khóa đó đang giảm, bạn cần xem xét có nên đầu tư vào từ khóa đó không. Dĩ nhiên, kết quả của Google Trends dựa vào lịch sử tìm kiếm nên nó không thể chính xác 100% cho tương lai. Bạn chỉ nên dựa vào đó để tham khảo.

google-trends

Tổng hợp từ khóa hiệu quả

Sau khi thực hiện tất cả những bước trên, bạn hãy tổng hợp tất cả thông tin vào 1 file Excel. Đây là cơ sở để bạn xây dựng cấu trúc website phù hợp cũng như đề ra các chiến lược SEO hiệu quả sau này.

Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc góp ý đề bài viết hoàn thiện hơn, xin hãy comment ngay bên dưới để mọi người cùng trao đổi. Vui lòng để nguồn SEO căn bản khi đăng tải lại bài viết này.